Quy Nhơn 1967
LỊCH SỬ:
Bình Định đời nhà Tần, nhà Hán là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam, năm Vĩnh Hoà 2 (năm 137) người trong quận làm chức Công Tào tên là Khu Liên đã giết viên huyện lệnh chiếm đất và tự phong là Lâm Ấp vương.
Đời nhà Tùy (năm 605) dẹp Lâm Ấp đặt tên là Xung Châu, sau đó lại lấy tên cũ là Lâm Ấp.
Đời nhà Đường, năm 627 đổi tên là Lâm Châu.
Năm 803, nhà Đường bỏ đất này và nước Chiêm Thành của người Chăm ra đời, đất này được đổi là Đồ Bàn, Thị Nại.
Đời nhà Lê, tháng 7 năm 1471, vua Lê cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay.
Năm 1490 (chưa đầy 20 năm sau), theo Thiên nam dư hạ tập cho biết: dưới thời Hồng Đức, Phủ Hoài Nhơn có 19 tổng và 100 xã.
Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Qui Nhơn thuộc dinh Quảng Nam.
Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần, đã đổi tên phủ Qui Nhơn thành phủ Quy Ninh.
Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Qui Nhơn.
Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt các đạo làm dinh, nhưng cấp phủ vẫn giữ nguyên. Phủ Qui Nhơn vẫn thuộc về dinh Quảng Nam, đặt các chức tuần phủ và khám lý để cai trị. Phủ lỵ dời ra phía Bắc thành Đồ Bàn, đóng tại thôn Châu Thành (nay là phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn).
Năm 1725, ở phủ Qui Nhơn đặt các chức quan trông coi: Chánh hộ, Khám lý, Đề đốc, Đề lãnh, Ký lục, Cai phủ, Thư ký, mỗi chức đặt một người; mỗi huyện đặt cai tri, thư ký, mỗi chức một người và 2 viên lục lại; mỗi tổng có cai tổng.
Giữa thế kỷ 18, có cuộc khởi nghĩa của một chàng trai ở Gò Sặt võ nghệ cao cường, tên là Lía. Chàng chọn Truông Mây làm căn cứ.
Ngày nay còn có câu:
“Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành”
Từ 1773 đến 1797, nhà Tây Sơn chiếm cứ đất này, sau khi lấy lại đất này Nguyễn Ánh đổi tên đất này là dinh Bình Định, sai Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn thủ và đặt quan cai trị gọi là Lưu Thủ, Cai Bộ, Ký Lục.
Từ 1799 đến 1802, thành Qui Nhơn bị quân Nguyễn Ánh chiếm đóng và đổi làm thành Bình Định và suốt chiều dài lịch sử, đây là trung tâm cai trị của triều Nguyễn tại Bình Định trong những năm đầu thế kỷ XIX.
Năm 1808 đổi dinh Bình Định thành trấn Bình Định.
Năm 1814, vua Gia Long cho xây dựng lại thành Bình Định mới, ngày nay ở thị trấn Bình Định, nằm về phía đông nam và cách thành cũ khoảng 5 km ở phía gần sông Côn. Sau khi xây xong cho chuyển toàn bộ nhà cửa về thành mới này.
Năm 1825 đặt tri phủ Qui Nhơn, năm 1831 lại đổi thành phủ Hoài Nhơn.
Năm 1832 tách huyện Tuy viễn thành hai huyện Tuy Viễn và Tuy Phước, tách huyện Phù Ly thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát đồng thời Bình Định và Phú Yên thành liên tỉnh Bình Phú, sau đó bỏ liên tỉnh này.
Năm 1888 đặt huyện Bình Khê. Vào năm 1885 Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất của Gia Lai – Kon Tum còn thuộc về Bình Định.
Năm 1890, thực dân Pháp sát nhập thêm Phú Yên vào tỉnh Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Qui Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách ra khỏi Bình Phú.
Ngày 4 tháng 7 năm 1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh tự trị Pleikou Derr, tỉnh lỵ đặt tại làng Pleikan Derr của dân tộc Gia Lai. Địa bàn tỉnh Pleikou Derr bao gồm các vùng cư trú của đồng bào thiểu số Xơ đăng, Bana, Gialai tách từ tỉnh Bình Định ra.
Ngày 25 tháng 4 năm 1907 xoá bỏ tỉnh Pleikou Derr. Toàn bộ đất đai của tỉnh này chia làm hai phần: một là Đại lý Kontum cho sát nhập trở lại tỉnh Bình Định và đặt dưới sự cai trị của Công sứ Bình Định; một gọi là Đại lý Cheo Reo, cho sát nhập vào tỉnh Phú Yên và đặt dưới sự cai trị của Công sứ Phú Yên.
Năm 1913, thực dân Pháp lại sát nhập Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú và thành lập tỉnh Kontum làm tỉnh riêng; địa bàn tỉnh Kontum bao gồm Đại lý Kontum tách từ tỉnh Bình Định, Đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú Yên và Đại lý Đắc Lắc.
Ngày 28 tháng 3 năm 1917 cắt tổng Tân Phong và tổng An Khê thuộc cao nguyên An Khê, tỉnh Bình Định, sát nhập vào tỉnh Kontum.
Năm 1921, thực dân Pháp cắt tỉnh Phú Yên ra khỏi tỉnh Bình Định và kéo dài cho đến năm 1945.
Thời Việt Nam Cộng Hòa đổi các huyện thành quận, tỉnh Bình Định có 11 quận, 1 thị xã, trong đó có 4 quận miền núi.
Tháng 2 năm 1976, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ra nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở Miền Nam Việt Nam theo đó hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình.
Năm 1981, chia huyện Hoài Ân thành 2 huyện: Hoài Ân và An Lão; chia huyện Phước Vân thành 2 huyện: Tuy Phước và Vân Canh; chia huyện Tây Sơn thành 2 huyện: Tây Sơn và Vĩnh Thạnh.
Năm 1986, chuyển thị xã Qui Nhơn thành thành phố Qui Nhơn.
Năm 1989, Bình Định tách ra từ tỉnh Nghĩa Bình để tái lập lại tỉnh và kéo dài như vậy cho đến nay.
Khi tách ra, tỉnh Bình Định có 11 đơn vị hành chính gồm: thành phố Qui Nhơn (tỉnh lị) và 10 huyện:
1 – An Lão
2 – An Nhơn
3 – Hoài Ân
4 – Hoài Nhơn
5 – Phù Cát
6 – Phù Mỹ
7 – Tây Sơn
8 – Tuy Phước
9 – Vân Canh
10 – Vĩnh Thạnh.
Tài liệu của Phóng Viên Chiến Trường sưu tầm)